Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Tháng 05 : 550
Năm 2024 : 4.617
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo

 

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và giữ gìn được nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có tôn sư trọng đạo. Truyền thống đạo đức tốt đẹp này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng cho dân tộc Việt Nam.

Vậy thế nào là tôn sư trọng đạo?

Tôn sư : Lễ phép, kính trọng, thương mến, nghe lời thầy cô dạy bảo, luôn ghi lòng tạc dạ, nhớ về công ơn dạy dỗ của thầy cô. Có lời ca mà các em từng biết :

Dẫu đếm hết sao trời đêm nay
Dẫu đếm hết lá mùa thu bay,

 Nhưng làm sao con đếm hết công ơn người thầy

Công ơn đó các em không phải trả bằng vật chất mà bằng cả tấm lòng, tình cảm của mình.

Trọng đạo : trân trọng, quý trọng, lĩnh hội, ghi nhớ, vận dụng phù hợp “đạo” mà thầy truyền đạt, giảng dạy. Đạo mà thầy truyền đạt, giảng dạy là gì ? Đó là những tri thức khoa học của các môn tự nhiên, xã hội. Đó là những bài học về đạo lý làm người, bài học về kĩ năng sống.

Tôn sư thì phải trọng đạo, trọng đạo thì phải tôn sư. Không có một ai trọng đạo mà lại không tôn sư và ngược lại tôn sư mà không quý trọng kiến thức của người thầy truyền đạt.  Chính vì thế Tôn sư trọng đạo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà thầy dạy đã dạy mình.

Truyền thống tôn sư trọng đạo xuất phát từ vị trí, vai trò của người thầy. Trong xã hội, người thầy đóng vai trò hết sức quan trọng, điều đó được thể hiện qua câu nói “ Không thầy đố mày làm nên”. Nếu gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách con người thì sự phát triển nhân cách, sự hình thành kỹ năng, ... và cả thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn của con người không thể thiếu vai trò giáo dục của người thầy. Công lao của  thầy được đặt ngang hàng với công lao cha mẹ “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Hơn thế, người xưa còn dạy rằng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được nhân dân ta tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang chuyển mình với những chủ trương đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thì trí tuệ con người ngày càng được coi là động lực cho sự phát triển. Vị trí, vai trò người thầy không ngừng được nâng lên và những người thầy chân chính luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng.

Hiện nay vấn đề về tôn sư trọng đạo đã có nhiều thay đổi. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn trót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Có không ít trường hợp đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của những người thầy của mình, hay có những kẻ dùng lời lẽ để xúc phạm tới người thầy của mình. Thậm chí có những kẻ đã hãm hại thầy cô của mình để đạt mục đích cá nhân. Đó là những việc làm đáng lên án, trái với đạo lí làm người, chúng ta cần phải tố cáo để loại bỏ những hành động đó.

Thầy cô giáo chính là những người đã chèo lái con thuyền để đưa bao thế hệ học trò sang bến đỗ.Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Với sự thay đổi cách dạy và cách học hiện nay, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Người thầy vẫn là trung tâm, vẫn là người quan trọng để đưa tri thức đến với chúng ta.

Tôn sư trọng đạo mãi mãi sẽ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tuy vậy một số học sinh đã thiếu tôn trọng đối với thầy cô, có những hành động và lời nói không phù hợp, xúc phạm đối với thầy cô. Đó là một hành động đáng lên án, đáng bị chê trách kỉ luật. Xã hội cần vó biện pháp để giảm những hiện tượng này trong xã hội.

 

GV: LÊ NHUNG


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip