Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Tháng 04 : 889
Năm 2024 : 4.025
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nói với con về nghề nghiệp

 

          Tôi và gia đình hiện sinh sống tại Laval, một thành phố nhỏ Tây Bắc nước Pháp. Chúng tôi có một cậu con trai 15 tuổi, năm nay tốt nghiệp cấp hai.

          Cấp ba ở Pháp phân ra trường nghề, trường phổ thông bình thường, trường công, trường tư, cũng có trường chuyên, lớp chọn và để vào các trường này phải qua rất nhiều vòng tuyển chọn, từ hồ sơ, thi viết, thi tài năng, đến vòng phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh.

          Khi con còn bé, vợ chồng tôi đang làm nghiên cứu sinh. Vì bố mẹ và tất cả người quen xung quanh đều làm nghiên cứu sinh nên con nghĩ ai cũng phải học hết phổ thông, xong đại học rồi hoàn thành bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Con nói con sẽ học thành tiến sĩ.

          Khi tôi đi dạy, con theo lên giảng đường, phòng thí nghiệm, và bắt đầu nuôi ước mơ thành thầy giáo; khi tôi kinh doanh, con lại nghĩ con sẽ trở thành doanh nhân.

          Công việc của cha mẹ phần nào đó ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của đứa trẻ. Nếu con hứng thú nối nghiệp, tôi nghĩ là một lợi thế, vì con sẽ có nền móng vững chắc, có sự chia sẻ kinh nghiệm của bố mẹ.

          Tuy nhiên đến thời điểm bắt đầu nhận thức và có những sở thích riêng, con không còn thấy công việc giống bố mẹ là thú vị và bắt đầu hoang mang.

          Chúng tôi nói với con rằng vẫn còn ba năm cấp ba để suy nghĩ và lựa chọn. Thậm chí đến lúc phải lựa chọn mà con vẫn không biết chọn gì thì vẫn có thể làm tạm một nghề để kiếm tiền trang trải cho bản thân. Sau một thời gian nếu không thích con sẽ đổi nghề khác. Không thử làm sao biết mình phù hợp hay không.

          Nhưng chúng tôi cũng nói với con, cuộc sống giờ đã khác, mọi thứ thay đổi rất nhanh, nhiều nghề mới sẽ sinh ra và nhiều nghề cũ mất đi. Do vậy, quan trọng là kỹ năng tự học tập, thích nghi nhanh với môi trường mới có nhiều thay đổi liên tục, đó chính là chìa khoá để thành công.

          Nếu vì lý do nào đó con phải làm công việc mình không thích, cũng hãy làm tốt nhất có thể. Nhỡ đâu, vì làm tốt, con lại trở nên yêu thích một công việc mình từng nghĩ không thích.

          Năm cuối cấp 2 ở Pháp, học sinh phải tự đi xin thực tập một tuần. Các tập đoàn lớn thường có chương trình thực tập chi tiết, với mục đích tìm hiểu ngành nghề, nên có thể ngày một các bạn được đi thăm bộ phận kế toán, ngày hai bộ phận kinh doanh, ngày ba bộ phận nghiên cứu, ngày bốn bộ phận nhận sự, nhằm hiểu hết tất cả các mảng hoạt động. Nhưng để xin được thực tập ở tập đoàn lớn không đơn giản, số lượng rất ít và cũng cần có "mối quan hệ".

          Không được thực tập ở tập đoàn lớn thì các con có thể xin thực tập ở các doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng, gara sửa ôtô, cửa hàng, tiệm bánh mỳ... Ở đây các con có cơ hội trực tiếp tham gia vào một số hoạt động đơn giản của doanh nghiệp như làm bếp, xếp kho hàng, thu ngân ....

          Con tôi là mọt sách, giờ nghỉ ở trường con thường vào thư viện. Con tâm sự với bà thủ thư về mong muốn thực tập ở một cửa hàng sách. Có lẽ vì quý mến sự yêu sách nên bà đã báo cho con lịch giới thiệu sách tại thư viện của một cửa hàng trong trung tâm thành phố. Và đây chính là cơ duyên con được nhận thực tập.

          Sau chỉ vài ngày được làm những công việc cụ thể, cũng như trao đổi với các anh chị đang làm việc ở đây, con đã tự sáng tỏ dần hướng đi của mình. Con biết để làm ở cửa hàng sách cần theo học ngành gì, trường nào, ở đâu, bao lâu, mức lương khi ra trường khoảng bao nhiêu, con có thể "thăng tiến" đến cấp độ nào.

          Trong bài thi nói tốt nghiệp cấp hai, con tôi trình bày về định hướng nghề nghiệp, những hiểu biết của mình về nghề bán sách, và tương lai con muốn trở thành chủ tiệm sách.

Trước đây khi giảng dạy tại Việt Nam, tôi làm việc với sinh viên ngành kỹ thuật và hiện nay, khi làm chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Pháp, tôi tiếp xúc với học sinh cấp ba trường nghề, chuyên ngành kinh doanh thương mại thực tập tại cửa hàng.

          Tôi nhận ra rất nhiều bạn trẻ làm việc một cách thụ động, không hứng thú, bảo gì làm đó. Chỉ khoảng 20% thực sự yêu thích công việc mình làm, chỉ cần tôi hướng dẫn gợi mở, các bạn sẽ chủ động đưa ra ý tưởng để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn hoang mang để định hướng nghề nghiệp cho mình. Sự loay hoay của chúng có thể kéo cả gia đình vào một cuộc thảo luận khó biết rõ đúng sai. Thay vì áp đặt, hay nói cách khác là lựa chọn thay, bắt đứa trẻ đi theo nghề chúng chưa thực hiểu rõ, người lớn chỉ nên đảm nhận vai trò của những người dày dạn trải nghiệm. Nhà trường và gia đình đều có thể thực hiện giúp trẻ theo những cách thức khác nhau.

          Nhà trường nên mời chuyên gia có khả năng truyền cảm hứng trong các lĩnh vực đến nói chuyện với các con. Họ có thể chính là các phụ huynh, mỗi người một nghề, giúp trẻ có cái nhìn đa dạng và đầy đủ hơn về các cơ hội công việc đối với mình. Trường tiếp đó sẽ tổ chức các buổi để các em trình bày hiểu biết và định hướng của bản thân. Thông tin thu thập được từ chương trình này sẽ giúp nhà trường tổ chức học sinh thành các nhóm theo ngành nghề yêu thích. Đây là dữ liệu quan trọng để trường thiết lập mối quan hệ với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà máy... định kỳ đưa các em đi thực tập, tham quan, giúp trẻ tận mắt nhìn thấy cả nỗi vất hoặc thách thức mà mình sẽ phải đối mặt. Nếu chỉ dừng lại ở hai bước đầu tiên, trẻ dễ rơi vào tình trạng lãng mạn hóa một nghề nghiệp nào đó, dẫn đến vỡ mộng khi đối mặt với thực tế sau này.

          Về phía gia đình, theo tôi cần lắng nghe và bình tĩnh trước mọi sở thích, nguyện vọng của con vì ước mơ của chúng sẽ còn thay đổi. Từ vốn sống của mình, cha mẹ có thể cung cấp cho con nhiều nhất có thể những thông tin cơ bản nhằm mô tả về công việc, những đòi hỏi đặc biệt, triển vọng thu nhập và thăng tiến; đồng thời khích lệ, giúp con nhìn thấy năng lực nổi trội của bản thân.

          Và điều quan trọng hơn cả trong suốt quá trình này là: quyết định cuối cùng phải thuộc về đứa trẻ.

          Được tự định hướng nghề nghiệp dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, đứa trẻ sẽ có động lực từ bên trong và có trách nhiệm hơn với mọi quyết định của mình.

                                                                                                                 St.


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip